Cà phê phim 3D ở Sài Gòn
CHỈ VỚI 20.000 ĐỒNG, BẠN CÓ THỂ THƯỞNG THỨC MỘT BỘ PHIM VỚI HIỆU ỨNG NHƯ Ở RẠP TRÊN MÀN HÌNH 150-300 INCH. PHONG TRÀO QUÁN KIỂU NÀY ĐANG RỘ LÊN Ở TP HCM.
Năm 2009, khi bộ phim 3D Avatar gây cơn sốt trên toàn thế giới và cả Việt Nam, các rạp chiếu phim đã bắt đầu trình chiếu công nghệ này. Cùng với xu hướng đó, những quán cà phê chiếu phim tại Sài Gòn cũng đầu tư để có thể phục vụ người xem.
Lựa chọn hầu hết của các quán là xem bằng công nghệ kính màu, giá thành rẻ dù sử dụng máy chiếu lên màn chiếu nhưng chất lượng 3D rất thấp nên không được đánh giá cao. Vào năm 2010, tivi 3D có kính và không kính xuất hiện nhưng thưởng thức phim với kích cỡ màn hình nhỏ (tối đa chỉ khoảng 55 inch) không thu hút.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi ứng dụng thành công việc tích hợp để xem được công nghệ 3D DLP với màn chiếu bạc, kính và máy chiếu, thì cà phê phim 3D lại rộ lên.
Cà phê phim 3D đang thu hút khách ở Sài Gòn. |
"Trước đây, quán từng đầu tư tivi 3D, 50 inch khoảng 40 triệu đồng với kính 2,5 triệu đồng một cái, tất cả mất hết khoảng 60-70 triệu đồng nhưng giờ bỏ hết để dùng màn chiếu", bà Lê Mỹ Hà, chủ quán Corner cuối đường Huỳnh Mẫn Đạt, quận Bình Thạnh, cho biết.
Một màn chiếu "rởm" 150 inch chưa tráng bạc giá 10 triệu, sau khi được sơn bạc , đã có giá hơn 1.000 USD nhưng cho chất lượng tương đương loại nhập xịn 10.000 USD. Máy chiếu loại Optoma 67 thì có giá khoảng 18-19 triệu, kèm theo 20 kính 3D phân cực 130 USD mỗi cái. "Rạp" chiếu phim 3 chiều đã hình thành tại quán cà phê này như thế.
Corner cà phê buổi tối cuối tuần ở Sài Gòn đông khách dần, trẻ em và người lớn đều có. Quán chỉ mới vừa mở phục vụ phim 3D được gần 1 tháng nhưng những phản hồi về hiệu ứng rất tích cực. "Không khác gì ở rạp, xem 3D ngồi càng gần hiệu ứng càng tốt mà điều này ở đây là rất tốt", anh Trung Nguyên, nhà ở quận 8, vừa xem vừa nói.
Chủ quán chia sẻ, ý tưởng này đã được bà ấp ủ cách đây rất lâu khi phải mất tới hơn 100.000 đồng, có khi hơn, để vào xem phim 3D ở rạp. Trong khi đó, ở đây, phụ thu 3D chỉ 20.000 đồng mỗi người, thậm chí không cần kêu nước (giá nước chừng 20.000 đồng một người) khách chỉ cần trả tiền phụ thu để xem phim.
Tương tự, quán 3D Coffee trên đường Hạnh Thông, quận Gò Vấp cũng vừa chuyển từ loại dùng kính màu sang 3D phân cực, quán đầu tư như một phòng chiều phim riêng biệt, cách âm, âm thanh như trong rạp.
Quán Corner có nhiều trẻ em tới thưởng thức phim 3D. Ảnh: Kiên Cường. |
"Trước đây, khi 3D mới mẻ, dùng công nghệ kính màu xanh đỏ nhưng mọi người đều nhận xét là rất đau mắt, hay mỏi mắt và hiệu ứng 3 chiều không tốt. Nên tôi quyết định chuyển sang công nghệ DLP với màn chiếu 300 inch, máy chiếu khoảng 700 USD, 20 kính, trị giá tổng cộng khoảng 70 triệu", anh Doãn, chủ quán, cho biết.
Hiện tại, 3D Coffee không phụ thu, giá nước chỉ tầm 20-30.000 đồng. Anh Doãn cũng cho biết đây là một trào lưu rất mới ở Sài Gòn và cuốn hút cả người lớn lẫn trẻ nhỏ với kho 3D lên đến khoảng 20-30 phim.
Đánh giá về trào lưu 3D tại Việt Nam, khi 3D có mặt trên thế giới thì chừng 1-2 tháng sau ở Việt Nam cũng đã có. Một trong những người chơi HD có tiếng tại Hà Nội thì khẳng định hiện tại ở đây vẫn chưa có cà phê 3D như TP HCM. "Hà Nội thường chuộng tivi 3D 50-55 inch, nhưng theo tôi chuẩn xem bằng màn chiếu bạc là tốt nhất", anh Hùng phân tích.
Công nghệ 3D dùng kính màu: sử dụng kính gồm 2 màu cơ bản tái tạo hình ảnh 3 chiều, giá thành rẻ, sử dụng được các màn hình và dùng máy chiếu. Tuy nhiên, chất lượng hình ảnh 3D thấp, dễ mỏi mắt, đau mắt nên không được đánh giá cao. Công nghệ 3D Dolby như ở rạp, sử dụng bộ lọc gồm 3 màu chính để tái tạo hình ảnh 3D. Công nghệ 3D phân cực: sử dụng 2 máy phóng (máy chiếu) kết hợp với màn bạc và kính phân cực. Công nghệ 3D Shutter Glass sử dụng tivi tần số quét cao 120-240 Hz kết hợp với kính tái tạo 3D sắc nét. Giá thành cao và kích cỡ màn hình nhỏ ((40-65 inch). Công nghệ 3D DLP: chỉ dùng 1 máy chiếu, máy tính, màn chiếu bạc (100-300 inch) với giá thành máy chiếu rẻ (cùng số tiền mua tivi 3D), hiệu ứng 3D rõ rệt. |
3D trên giấy |
Không phải kỹ thuật 3D của màn hình hay những công nghệ 3D tiên tiến ngày nay, nghệ nhân Jeff Nishinaka cho người xem thấy một kỹ thuật 3D thô sơ nhất nhưng cực kỳ lôi cuốn chỉ bằng chất liệu giấy.
Lúc đầu, Jeff Nishinaka định theo đuổi nghề họa sĩ nhưng từ khi vào học tại Art Center College of Design, ông đã đam mê sáng tạo tranh bằng giấy. Và đến nay, ông đã mang được "hơi thở" của nhân vật vào trong tác phẩm của mình. Với khả năng "điêu khắc trên giấy" này, Jeff đã có những tác phẩm rất độc đáo về quảng cáo, thời trang, nghệ thuật sắp đặt bên cạnh tranh giấy 3D. Bạn có thể tham khảo thêm tạihttp://www.jeffnishinaka.com/. |
Máy ảnh 3D đồ chơi giá chỉ 70 USD | |
Công ty đồ chơi Takara Tomy của Nhật Bản vừa tung ra một loại camera "đồ chơi” có tên 3D Shot Cam cho phép chụp hình 3D cỡ nhỏ.
Được trang bị bộ cảm biến kép 0,3-megapixel, máy chụp ảnh 3D Shot Cam in được 2 hình nhỏ trên một mảnh giấy, sau đó có thể trượt vào một dụng cụ xem hình đặc biệt để tạo nên hiệu ứng 3D nổi. Nhìn qua 2 lỗ ngắm của dụng cụ, bạn sẽ "cảm thấy” được hình ảnh 3D. Không thể so sánh Shot Cam với Finefix được vì máy không có cảm biến CCD (charge-coupled device) 10-megapixel để xem video 720p, nhưng camera rẻ tiền này với hai màu trắng hay hồng, sẽ là cách ít tốn kém để tạo nên hình ảnh 3D khi cần. Hiện chưa có thông báo khi nào 3D Shot Cam sẽ được bán ra ở Mỹ, nhưng dự kiến máy sẽ được bán ra ở Nhật vào đầu năm 2011 với giá 70 USD, tương đương 5.980 yên (~1.365.000 đồng). Cũng chưa có thông tin rõ ràng về hệ thống in hay giá mực và giấy in, nhưng xét theo kích thước của hình mẫu thì giá có thể tương đối thấp. |