Hotline: 0912.353.353 - Hà nội: 44501308
Yahoochat: cafe3dsieunet@yahoo.com.vn
Ứng dụng công nghệ mô phỏng 3D trong huấn luyện

QĐND - Cùng với sự phát triển của hệ thống truyền thông đa phương tiện, công nghệ phần cứng, vừa qua Trường Đại học Nguyễn Huệ (Trường Sĩ quan Lục quân 2 trước đây) phối hợp với Viện Công nghệ thông tin (CNTT) thuộc Viện Khoa học-Công nghệ Quân sự (Bộ Quốc phòng) đã nghiên cứu và xây dựng thành công hệ thống phần mềm mô phỏng 3D và được áp dụng ngay vào huấn luyện chuyên ngành quân sự đạt hiệu quả cao.
Nhà trường xác định, huấn luyện chiến thuật là nội dung quan trọng, mang tính quyết định đến chất lượng đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu. Đặc điểm của huấn luyện chiến thuật là đa dạng, phức tạp và mang tính trừu tượng, người dạy phải trang bị cho người học những kiến thức tổng hợp. Bên cạnh đó, thực trạng ứng dụng CNTT trong giảng dạy chiến thuật còn một số hạn chế như: Sử dụng nhiều phần mềm khác nhau, chưa có sự thích ứng và không thống nhất… Từ những lý do ấy, yêu cầu đặt ra là, cần phải xây dựng một hệ thống phần mềm để giải quyết toàn bộ những giải pháp ứng dụng CNTT phục vụ cho công tác huấn luyện chiến thuật.
Ứng dụng công nghệ mô phỏng 3D vào huấn luyện ở Khoa Binh chủng Trường Đại học Nguyễn Huệ.
Theo đó, từ năm 2008, nhà trường đã chủ động chuẩn bị tốt mọi cơ sở vật chất, đầu tư mua sắm trang thiết bị và xây dựng kế hoạch hợp lý; đồng thời giao nhiệm vụ cho Phòng Khoa học Công nghệ-Môi trường (CNMT) cùng với các khoa xác định rõ nội dung đề tài, lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên có kinh nghiệm tham gia xây dựng phần mềm ứng dụng. Kết quả, sau gần hai năm nhà trường đã phối hợp với Viện CNTT tiến hành xây dựng thành công nhiều phần mềm ứng dụng, trong đó có gần chục phần mềm ứng dụng công nghệ mô phỏng (CNMP) 3D, được Hội đồng Khoa học nhà trường và Hội đồng Khoa học Bộ Quốc phòng tiến hành thử nghiệm, đánh giá, nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ tháng 11-2010.
Trước mắt, những sản phẩm mô phỏng sa bàn điện tử 3D được nhà trường áp dụng trong giảng dạy các nội dung thuộc chuyên ngành chiến thuật bộ binh và chuyên ngành chiến thuật hỏa khí đi cùng. Cụ thể là giới thiệu những hành động của địch, ta và thể hiện các tình huống chiến đấu trong các hình thức tiến công, phòng ngự, vận động tiến công. Chức năng chính của phần mềm là thể hiện được thư viện ký hiệu quân sự theo đúng bộ ký hiệu của Bộ Tổng tham mưu năm 2000. Đồng thời số hóa bản đồ khu vực tác chiến và thể hiện trên nền 3D. Sử dụng các sản phẩm đồ họa để mô phỏng những hình ảnh sống động trên nền bản đồ số 3D như: Các loại súng, pháo, xe tăng, ụ súng, lô cốt… Giảng viên có thể trình chiếu ở dạng ba chiều trực quan, sinh động, giúp học viên dễ nhận biết, dễ tiếp thu và tạo sự hứng thú với môn học.
Một trong những ưu điểm nổi trội của phần mềm là, sau khi xây dựng kế hoạch, quyết tâm chiến đấu trên bản đồ số hóa, thì có thể vận dụng chuyển kế hoạch, quyết tâm đó sang chương trình Powerpoint và làm các hiệu ứng cho bài giảng, hoặc mô phỏng ngay trên sa bàn 3D…Theo Đại tá, Tiến sĩ Vũ Thanh Hiệp, Phó trưởng Phòng Khoa học CNMT, thông qua việc ứng dụng CNMP 3D sẽ giảm được kinh phí, thời gian, công sức trong huấn luyện; đồng thời đẩy mạnh quá trình đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng, các khoa giáo viên và Viện CNTT nghiên cứu, xây dựng phần mềm ứng dụng 3D cho các bộ môn, trong đó mô phỏng một số trận đánh điển hình phục vụ giảng dạy cho các đối tượng, nhất là đối tượng đại học và sau đại học, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục-đào tạo trong điều kiện mới.
Chúng tôi có mặt tại giảng đường N5 để tham quan một buổi lên lớp của giảng viên có ứng dụng CNMP 3D. Quá trình giảng, ngoài việc chấp hành đúng quy định và trình tự trong huấn luyện, giảng viên còn vận dụng khá thành thục phương pháp dạy học tích cực, thể hiện những hiệu ứng trình chiếu phong phú gắn với những hình ảnh chuyển động có âm thanh hỗ trợ như đang diễn ra trên thực địa. Mỗi phần chứng minh của giảng viên đều ngắn gọn, rõ ràng và "ăn khớp” với một hành động chiến đấu của ta và địch trên một khu vực địa hình. Để làm sáng tỏ nội dung, giúp cho người học quan sát được dễ dàng, nắm được bản chất của vấn đề, giảng viên chỉ cần nhấp đúp "chuột” vào đối tượng, tức khắc khu vực tác chiến được phóng to lên, tất cả những hình ảnh và đặc điểm của địa hình đều nổi rõ như ở thực địa. Thượng sĩ Dương Văn Dũng, học viên thuộc Đại đội 1, Phân đội 3 nói: "Qua cách thể hiện trình chiếu của giảng viên, chúng tôi thấy rất hứng thú khi tiếp thu bài, không thấy căng thẳng, khô khan”.
Đối với giảng viên, Đại tá Ngụy Văn Hộ, Chủ nhiệm Khoa Binh chủng cho rằng: "Đưa CNMP 3D vào giảng dạy, giảng viên chủ động hơn về công tác chuẩn bị bài; quá trình giảng luôn làm chủ nội dung, tập trung thể hiện những hiệu ứng qua trình chiếu là học viên hiểu nội dung ngay trên lớp, khắc phục tình trạng ghi nhớ máy móc, giảm tính trừu tượng; giúp người học tiếp cận kiến thức nhanh chóng, phát huy khả năng tư duy sáng tạo…”. Được biết, nhà trường đã trang bị máy tính xách tay tốc độ cao cho một số khoa để giảng viên chủ động cài đặt các chương trình phần mềm ứng dụng 3D, khi lên lớp giảng viên có thể trình chiếu nội dung có liên quan đến bài giảng. Tuy nhiên, bước đầu giảng viên cần phải đầu tư thời gian nghiên cứu và được sự hướng dẫn của "chuyên gia” CNTT trực tiếp xây dựng phần mềm, sau đó giảng viên mới có thể tự mình sử dụng và điều chỉnh những nội dung mới thay đổi. 
Vũ Quang Hải - 0912.353.353 - Hà nội: 44501308 | Create a free website with uCoz